1. Mỗi ngày 5 phút
Đúng vậy! bạn chỉ cần dành mỗi ngày 5 - 10 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ để dọn dẹp nhà cửa, quần áo dơ cũng như sắp xếp văn phòng gọn gàng trước khi ra về. Cố gắng dành một tiếng đồng hồ cho công việc dọn dẹp vào mỗi sáng thứ bảy, bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ khi mình có thể làm được nhiều việc đến thế.
2. Chia sẻ công việc nhà
Đừng một mình làm hết mọi việc. Thay vào đó, hãy để các thành viên trong gia đình chia sẻ công việc cùng bạn.
Bạn có thể dành một tiếng đồng hồ mỗi thứ bảy để cả nhà cùng lau dọn nhà, hoặc mỗi tháng một lần quét dọn mạng nhện, sắp xếp lại nhà kho... Viết ra những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên cho tất cả mọi người. Cuối tháng khi xong việc, tự thưởng cho gia đình một buổi đi chơi xa; thưởng thức món ăn ngon hoặc xem một bộ phim hay. Bạn sẽ thấy công việc dọn dẹp thật ý nghĩa, tạo niềm hứng khởi và là mối dây gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình.
3. Bỏ đi những thứ "lỡ sau này cần"
Thật khó để làm công việc này. Tuy nhiên đó là biện pháp thông minh giúp nhà cửa luôn gọn gàng. Bạn cần sắp xếp lại đống đồ cũ, và chỉ để lại những vật bạn thực sự yêu thích hoặc được sử dụng thường xuyên.
Những món đồ được giữ lại là những đồ vật đặc biệt như vật lưu niệm sau những chuyến đi thú vị hay nhắc nhở về thời thơ ấu.
Đối với những bức ảnh, hãy gửi đến những người muốn xem chúng và chỉ để lại những bức mà bạn thích nhất. Cho ảnh vào đúng album và treo những bức đẹp lên tường.
Đừng tiếc những món quà bạn không thích, cũng như đừng giữ lại những thứ không để làm gì cả. Hãy đem cho những người thích và hợp với nó thì hơn. Vậy còn tình cảm của người tặng quà? Chúng ta có thể ghi nhận nó trong tim mà, đúng không?
Nếu bạn cảm thấy quá khó để bỏ đi những bộ quần áo cũ, hãy chia quá trình này thành 2 giai đoạn. Đầu tiên, bạn gói chúng lại và để ở một góc tủ trong vòng 2 tuần xem bạn có cần nó không. Nếu bạn không sử dụng đến thứ nào trong túi suốt một tuần bạn hãy can đảm bỏ chúng đi. Bởi vì bạn thực sự sẽ không bao giờ mặc nó đâu.
Tương tự đối với những vật dụng khác trong nhà. Hãy nghĩ xem liệu bạn có thực sự cần đến những món đồ cũ kỹ đó sau này không? Hẳn là không. Nếu thứ gì bạn bỏ xó, không sử dụng trong một thời gian dài, tại sao bạn lại cho rằng sẽ cần đến nó một ngày nào đó? Cái bạn không cần đang chiếm mất chỗ của những thứ bạn đang cần dùng đấy?
4. Hãy nghĩ đến những người thực sự cần chúng
Lên danh sách những nơi bạn sẽ cho đi những thứ bạn không cần dùng (ủng hộ người nghèo, đồng bào bão lũ, đem về quê hay bán đấu giá trên mạng đối với những món có giá trị cao). Việc gửi những món đồ này đến những người cần dùng sẽ giúp bạn cảm thấy việc bỏ chúng đi dễ dàng hơn
5. Bố trí không gian tối ưu
Không phải mọi cái luôn cố định đúng một vị trí, nhưng rõ ràng nó phải có chỗ của nó. Việc sắp xếp đồ đạc gọn gàng không chỉ giúp công việc dọn dẹp trở nên nhẹ nhàng mà còn giúp bạn dễ dàng tìm được những món đồ khi cần
Với giấy tờ, hãy lưu trữ thành những tập hồ sơ như hồ sơ hóa đơn, giấy tờ ngân hàng, biên nhận, giấy tờ thuế và để hồ sơ này trong các hộc đựng hồ sơ có thể mang theo.
6. Bắt tay vào dọn nhà Tết
Đừng là người cầu toàn
Khi dọn nhà, bạn đừng quá cầu toàn. Bởi vì, việc sa đà vào lau dọn một thứ gì đấy thật hoàn hảo sẽ ngốn rất nhiều thời gian của bạn, làm bạn nhanh nản chí khi công việc chờ mình còn quá nhiều. Cần lưu ý, hãy bắt đầu từng chút một mà thôi.
Bắt đầu ở vị trí có thể dọn nhanh nhất
Chọn những công việc dễ dàng sẽ giúp bạn có thêm hứng khởi thấy những đầu việc cần làm của mình vơi đi nhanh chóng. Những nơi chứa đồ cũ kỹ nhất là những nơi bạn có thể dọn dẹp nhanh chóng nhất
Tiếp theo là nơi cần dốc sức nhiều nhất
Khi đã hứng khởi, bạn cần tập trung vào nơi khiến bạn mệt mỏi nhất khi dọn dẹp. Đó có thể là căn bếp, nhà vệ sinh hay tủ quần áo.
Thay đổi công việc
Hãy thay đổi công việc trong nhà - ngoài nhà, công việc trí óc - công việc dùng sức để không cảm thấy quá nhàm chán. Dọn trước những gì nhanh nhất để có thêm hứng khởi
Và một lưu ý cần nhớ là "Hãy dọn nhà Tết cùng những người thân yêu". Bạn sẽ thấy công việc này sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều